Vợ lính hình sự, một mình đón tết
“Tết năm nay không được về nhà! Bố cũng đã nhiều năm không đón giao thừa cùng gia đình, chỉ thương mẹ và em gái…”, dòng tâm sự của cậu con trai giờ cũng là chiến sỹ Công an khiến Trung tá Đỗ Hoài Nam, Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh Hà Nam thấy sống mũi cay cay.
Tâm tư của người chỉ huy hơn 20 năm gắn bó với cuộc đời binh nghiệp, có lẽ cũng là những sẻ chia của người lính hình sự.
1. “Chúc em và con một năm mới sức khỏe… Và em sẽ tiếp tục là điểm tựa cho anh và các con”, tiếng tin nhắn điện thoại vang lên, cũng là thời điểm đất trời giao hòa, chuyển sang một năm mới.
Rắn rỏi và từng trải, vậy mà khi đọc tin nhắn của chồng, Trung tá Nguyễn Thị Thứ, Phó trưởng Phòng Công tác Đảng và Công tác quần chúng, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hà Nam, vợ của Trung tá Đỗ Hoài Nam vẫn thấy tủi thân.
Cùng học chung trường rồi về công tác tại một đơn vị, chị đồng cảm với công việc của người bạn đời nhưng trong thời khắc thiêng liêng, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chị cũng không khỏi chạnh lòng.
Vào thời điểm này, khi nhà nhà quây quần chuẩn bị đón một năm mới thì bên nhà chị, chỉ có mấy mẹ con. Xuân năm nay, gia đình càng thêm vắng vẻ khi cậu con trai lớn của anh chị, giờ là đồng nghiệp của bố, mẹ cũng trực chiến ở đơn vị công tác…
Sau những giờ làm việc căng thẳng, Trung tá Nguyễn Thị Thứ lại trở về với thiên chức của người vợ, người mẹ.
Hai mươi năm trước, cô gái quê lúa Thái Bình và chàng trai Hà Nam quen biết rồi nên nghĩa vợ chồng. Từ khi tốt nghiệp ra trường đến nay, phần lớn thời gian công tác của anh Nam là lĩnh vực hình sự, công việc luôn gắn liền với những việc đột xuất, bất ngờ.
Người ta thường nói lính hình sự là “ăn không trọn bữa, ngủ không trọn giấc, nghỉ không trọn ngày”, quả đúng như vậy. Rất ít khi kế hoạch của vợ chồng họ đặt ra mà thực hiện được, đơn cử như việc tổ chức cho con đi chơi xa…
Thấu hiểu công việc của anh, chị lặng lẽ là hậu phương vững chắc, giúp chồng yên tâm công tác. “Công việc của người lính hình sự dường như không chỉ gây áp lực với anh, mà còn lan tỏa đến các thành viên trong gia đình”, điều này có lẽ chỉ những người vợ lính mới thực sự thấu hiểu.
2. “Thời gian đầu mới cưới nhau, bản thân tôi cũng thấy buồn nhưng dần dần thành quen. Chúng tôi lấy nhau được tròn 20 năm nhưng chưa bao giờ tối giao thừa vợ chồng được cùng đi xem bắn pháo hoa vì thường thời gian đó anh đang ở ngoài đường để đảm bảo an ninh trật tự”.
Rồi chị kể cho chúng tôi một kỷ niệm khó quên. Đó là thời điểm năm 1997, khi anh và chị vừa cưới nhau được khoảng 20 ngày. Khi hai vợ chồng chị vừa lên kế hoạch cho cái Tết đầu tiên thì anh nhận nhiệm vụ vào Đắk Lắk, truy bắt một đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm. Khi anh cùng đồng đội dẫn giải đối tượng an toàn về đến trụ sở, đã là tối 30 Tết.
Cũng có năm, vợ chồng chị thực sự không có Tết. Mới đây nhất là vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Bình Lục đúng vào dịp Tết Nguyên đán năm 2016. Trong khi nhà nhà râm ran tiếng chúc Tết, đón xuân thì anh và đồng đội ngày đêm đi tìm manh mối tội phạm.
Năm đó, với gia đình chị cũng là năm đặc biệt vì tổ chức mừng thượng thọ cho bố chồng chị. Vậy mà đúng ngày tổ chức mừng thọ cho bố, anh cũng chỉ kịp đảo về nhà được một tiếng đồng hồ, chào hỏi họ hàng, cảm ơn mọi người rồi lại vội vã đi ngay.
3. “Mẹ ơi, con thấy bố ở trên tivi”… Đang tất bật cùng mẹ chồng chuẩn bị mâm cơm hóa vàng, chị Nguyễn Thị Hằng, vợ của Đại úy Đào Văn Dũng, Đội phó Đội trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Nam, cùng người thân vội dừng tay.
Bản tin của truyền hình tỉnh thông báo về chiến công của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, bắt giữ thành công đối tượng giết người, cướp tài sản nghiêm trọng xảy ra vào ngày 25 Tết. Lúc ấy, những cảm giác đan xen, lẫn lộn khiến chị khó diễn tả bằng lời…
Phút thảnh thơi hiếm hoi của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Hằng.
Chuyến xe khách chiều 30 Tết chỉ còn vài hành khách, trong đó có chị và hai cô con gái trứng gà, trứng vịt. Hai đứa trẻ sau một hồi gọi điện thoại cho bố không được, nước mắt lưng tròng lăn ra ngủ. Nhìn hai con, chị bỗng cảm thấy chạnh lòng. Mong mỏi của hai đứa trẻ là được bố đón về sau mỗi buổi tan trường nhưng ước mơ đó cũng rất ít khi thực hiện được.
Từ sau vụ trọng án xảy ra, anh cùng đồng đội đi mải miết không về. Trong khi mọi người tất bật chuẩn bị sắm Tết thì ba mẹ con chị vẫn lủi thủi ngóng chờ anh. 5 ngày trôi qua vẫn không thấy anh trở về, hai đứa trẻ nhỏ cứ nháo nhác hỏi mẹ, bố sắp về chưa rồi lại gọi điện cho bố. Nhưng có lẽ, do bận công việc, anh không nghe máy, cũng chẳng gọi điện thoại lại.
Đến chiều 30 Tết, chị cũng chỉ sửa được một chút đồ lễ để về ông bà nội thì nhận được điện thoại của anh nói rằng có vụ giết người, cả phòng đang tập trung để truy tìm tội phạm. Vậy là ba mẹ con đành phải bồng bế nhau về quê trước. Mãi đến ngày mồng 4 Tết anh mới từ đơn vị trở về, cả gia đình mới thực sự có một cái Tết đủ đầy.
Nguồn: http://www.24h.com.vn