Đại gia Sáu Phấn đã rút ruột 12.000 tỷ của TrustBank thế nào?
Để rút ruột Ngân hàng TrustBank, đại gia Sáu Phấn đã thực hiện 5 hành vi và đây cũng chính một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự đổ vỡ VNCB về sau này.
Bị can Hứa Thị Phấn
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín – TrustBank, nay là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB), đề nghị truy tố bị can Hứa Thị Phấn (đại gia Sáu Phấn), nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ về hai tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bà Phấn được cho là đã dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt, sử dụng 12.000 tỷ đồng của TrustBank.
Kỳ 1: Dùng 5 thủ đoạn rút ruột ngân hàng
Để rút ruột Ngân hàng TrustBank, đại gia Sáu Phấn đã thực hiện 5 hành vi và đây cũng chính một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự đổ vỡ VNCB về sau này.
“Phù phép” 1 căn nhà, chiếm đoạt nghìn tỷ
Theo kết luận điều tra, bà Phấn đã cùng Công ty CP Phú Mỹ và 14 người thân là bà con, họ hàng đứng tên giúp (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) tham gia mua gần 85% vốn điều lệ và giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank. Lợi dụng việc nắm giữ gần 85% vốn điều lệ, bà Phấn đã lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vi phạm nhiều quy định để rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng hơn 12.000 tỷ đồng.
Thứ nhất, bà Phấn đã nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM để bán cho TrustBank, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2008, bà Phấn chuyển nhượng cho Công ty Địa ốc Lam Giang (công ty con của bà Phấn) giá 426 tỷ đồng, đến 7/2011 Công ty Lam Giang lại sử dụng căn nhà này thế chấp tại Ngân hàng TrustBank chi nhánh Sài Gòn vay hơn 187 tỷ đồng, nhưng được TrustBank định giá là 290 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau đó đúng 1 tháng, Tổng giám đốc TrustBank là ông Trần Nam Sơn lại có tờ trình mua căn nhà này với mức giá 1.268 tỷ đồng.
Cùng ngày, ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch TrustBank, bà Phấn – cố vấn HĐQT và các thành HĐTV như: Trần Nam Sơn, Ngô Kim Huệ, Hứa Xường… họp và quyết định thống nhất mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.268 tỷ đồng. Trong quá trình giao dịch, Công ty Lam Giang lại chuyển nhượng nhà cho bà Phấn. Và đầu năm 2012, TrustBank đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản cho bà Phấn. Ngay sau khi có tiền, bà Phấn đã rút tiền mặt để sử dụng.
Theo kết luận thanh tra Ngân hàng Đại Tín ngày 10/7/2012 xác định, thời điểm ngày 29/2/2012, Ngân hàng Đại Tín đã bị lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 2.800 tỷ đồng, nên số tiền 1.105 tỷ đồng bị can Phấn chiếm đoạt từ việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch rồi bán cho Ngân hàng Đại Tín là tiền gửi, đến nay không thu hồi được, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 1.105 tỷ đồng.
Ngoài đại gia Sáu Phấn, CQĐT đề nghị truy tố bị can Ngô Kim Huệ, nguyên Phó TGĐ TrustBank, Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ; Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ; Lâm Kim Dũng, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang cùng 24 bị can khác về tội Cố ý làm trái và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, bà Phấn đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 17 năm tù giam về tội Vi phạm quy định về cho vay trong các tổ chức dụng. Bà Phấn kháng cáo nên bản án vẫn chưa có hiệu lực pháp luật. Liên quan đến vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 đang xét xử, bà Phấn được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, bà Phấn vắng mặt với lý do sức khỏe.
Nguồn:http://www.24h.com.vn