Trình tự và thủ tục thuê dịch vụ bảo vệ với cơ quan nhà nước
Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có mức thu tự đảm bảo một phần kinh phí có được thuê dịch vụ bảo vệ ngoài hay không? Quy định và thủ tục thuê bảo vệ dịch vụ với các đơn vị nhà nước thế nào?
Ông Đinh La Son (Hà Nội) đang làm việc trong một đơn vị sự nghiệp công lập có mức thu tự đảm bảo một phần kinh phí. Hiện cơ quan ông Son đang có nhu cầu thuê dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tại Hà Nội. Sau khi tham khảo báo giá dịch vụ bảo vệ 2019 của một số công ty bảo vệ, cơ quan ông đã dự định lựa chọn một công ty bảo vệ có bảng báo phí dịch vụ cho 12 tháng là 214 triệu. Theo quy định pháp luật, cơ quan ông Son cần thực hiện những trình tự và thủ tục thế nào?
Các đơn vị nhà nước được thuê dịch vụ bảo vệ ngoài
Theo Thông tư 46/2014/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn Nghị định 06/2013/NĐ-CP thì các cơ quan, đơn vị nhà nước sau sẽ được phép thuê dịch vụ bảo vệ ngoài thường xuyên, lâu dài:
– Nhà trường và các cơ sở giáo dục;
– Các cơ sở khám chữa bệnh (trừ trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động xã hội của ngành LĐTBXH và các trường của công an, quân đội);
– Nơi sử dụng để sản xuất, cung ứng dịch vụ, kho tàng, bến bãi;
– Cơ sở, trung tâm, văn hóa, thể thao, giải trí (trừ các công trình theo quy định ở Nghị định 126/2008/NĐ-CP, Nghị định 37/2009/NĐ-CP).
Các đơn vị khác có sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện thuê dịch vụ bảo vệ theo quy định ở khoản 2 điều 7 Nghị định 06/2013/NĐ-CP.
Thông tư này có hiệu lực ngày 06/12/2014.
Trình tự và thủ tục thuê bảo vệ dịch vụ
Theo thông tin ông Son cung cấp, cơ quan ông là đơn vị sự nghiệp công lập có thu tự bảo đảm một phần kinh phí, do vậy việc thuê cung cấp hai dịch vụ trong câu hỏi của ông sẽ thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Nghị định số 63/2014/NĐ-CP); Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT ngày 29/9/2016 quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn (Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT).
Tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT quy định: “Dịch vụ phi tư vấn bao gồm: Logistics, bảo hiểm; quảng cáo; tổ chức đào tạo, nghiệm thu chạy thử; đo vẽ bản đồ; in ấn; tang lễ; vệ sinh; quản lý, vận hành tòa nhà; kế toán; truyền thông; vận tải công cộng; trông và quản lý chăm sóc cây xanh; cấp, thoát nước; cấp điện, chiếu sáng; thu gom, phân loại, xử lý chất thải, nước thải; nhiếp ảnh; đóng gói; sao chụp và các hoạt động khác không phải là dịch vụ tư vấn được quy định tại Khoản 8, Điều 4 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13”.
Do vậy, hai dịch vụ có nhu cầu thuê: Bảo vệ chuyên nghiệp và chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, bảo đảm vệ sinh… thuộc gói thầu dịch vụ phi tư vấn.
Theo thông tin ông Son cung cấp, gói thuê dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp 12 tháng có tổng giá trị dự kiến 214 triệu đồng.
Căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 23 Luật Đấu thầu và Khoản 2, Điều 57 Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT, gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản có hạn mức không quá 500 triệu đồng thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn.
Trình tự, thủ tục thực hiện chào hàng cạnh tranh rút gọn thực hiện theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, gồm các bước:
– Chuẩn bị và gửi bản yêu cầu báo giá.
– Nộp và tiếp nhận báo giá.
– Đánh giá các báo giá.
– Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
– Hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
– Thời gian trong chào hàng cạnh tranh rút gọn.