Giải pháp thích ứng CMCN 4.0
Theo PGS,TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Việt Nam đã bỏ lỡ ba cuộc CMCN, nhưng không thể bỏ lỡ cuộc CMCN 4.0. Đây là cuộc CMCN tất yếu mà con người chỉ có thể tham gia, nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Việt Nam có lợi thế riêng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, giúp đặt nền tảng cho việc ứng dụng thành công các công nghệ của cuộc CMCN 4.0.
Nó sẽ mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; các nước đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu công nghệ cao hơn. Nhưng các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại CMCN 4.0, đòi hỏi sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia.
Để chuẩn bị cho cuộc CMCN 4.0, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, có ba yếu tố Việt Nam cần quan tâm, đó là: Khung hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và tính đồng bộ của các công nghệ 4.0. GS, TS Nguyễn Quang Liêm (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, Việt Nam cần có chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trực tiếp thực hiện, tham gia CMCN 4.0; có hệ thống đào tạo định hướng tiếp cận CMCN 4.0; xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý và đầu tư có tính đột phá để khai thác và huy động tối đa nguồn lực cho đào tạo nhân lực. Mặt khác, cần có các định hướng chính sách phát triển các lĩnh vực ưu tiên, như: Công nghệ số; an ninh mạng; trí tuệ nhân tạo… Về vấn đề này, ông A.Nô-lan, chuyên gia phân tích chính sách cao cấp, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên phổ biến công nghệ, phát triển những kỹ năng phù hợp và xây dựng hệ sinh thái số. Trong đó cần có các định chế được tổ chức tốt để phổ biến và đẩy mạnh áp dụng công nghệ; tạo môi trường thành lập và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; hệ thống giáo dục phải nắm bắt và đáp ứng hiệu quả với những diễn biến trên thị trường lao động; tăng mức độ áp dụng điện toán đám mây cho các hoạt động; mở rộng khả năng tiếp cận hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; quản lý an ninh số…
Nhiều chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đang có lợi thế bắt kịp cuộc CMCN 4.0 thông qua phát triển các phần mềm, ứng dụng dựa trên các nền tảng mà thế giới đang phát triển. Doanh nghiệp sẽ phải tìm hiểu xem các doanh nghiệp trên thế giới đang áp dụng công nghiệp 4.0 như thế nào, qua đó có phương án từng bước chuyển đổi thành doanh nghiệp số, áp dụng công nghệ 4.0 vào điều hành, mang lại sản phẩm dịch vụ mới cho khách hàng.
Chính phủ đã và đang tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trong đó chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ, mô hình kinh doanh mới; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Đồng thời, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là công nghệ thông tin truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp là lực lượng chủ đạo, tiên phong quyết định mức độ thành công trong việc thực hiện CMCN 4.0, cho nên cần chủ động có phương án ứng phó những tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này.
NHẬT MINH